Với tốc độ tăng trưởng trên 73% năm 2018, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của nhà thông minh.
6 giờ tối, anh Phạm Văn Hoàng (30 tuổi, kỹ sư) trở về nhà sau giờ làm. Căn hộ trong khu chung cư Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) ''chào đón'' chủ nhà bằng cách tự động mở cửa phòng, bật đèn, mở rèm, phát nhạc chỉ sau vài thao tác điều khiển bằng smartphone từ xa. Kể từ khi lắp đặt hệ thống nhà thông minh (smarthome) cách đây hai tháng, gia đình anh Hoàng mới thực sự tận hưởng sự thoải mái, tiện nghi, thậm chí là cảm giác thú vị, tươi mới tại căn hộ hơn 70m2 quen thuộc.
Ngày càng nhiều lựa chọn và mức giá, thị trường nhà thông minh đã hiện thực hóa ước mơ về một cuộc sống tiện nghi của vợ chồng anh Hoàng, cũng như hàng trăm nghìn hộ gia đình Việt khác.
Nhà thông minh có mặt tại Việt Nam khoảng hơn 10 năm trước, nhưng mới thực sự quen thuộc vài năm trở lại đây, khi khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 trở nên phổ biến. Smarthome cho phép chủ nhà có thể quản lý, điều khiển các thiết bị từ xa như tắt, bật đèn, điều hòa, TV, giám sát an ninh...thông qua smartphone, tablet
Theo đánh giá từ Statista, Việt Nam đứng thứ 45 trong bảng xếp hạng nhà thông minh toàn cầu. Doanh thu từ thị trường này tại Việt Nam dự kiến đạt 44 triệu USD năm 2018. Mặc dù khá khiêm tốn khi so sánh với Mỹ - thị trường smarthome lớn nhất thế giới với doanh thu 20,5 tỷ USD, các con số về tăng trưởng của thị trường nhà thông minh tại Việt Nam cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.
Theo đó, doanh thu năm 2018 tăng trưởng 73,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đại diện Bkav cho biết, số lượng nhà có lắp đặt các thiết bị thông minh đơn lẻ tại Việt Nam hiện là 500.000, tăng 33,4 % so với năm 2017. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) kỳ vọng đạt 65,2%. Thị trường nhà thông minh trong nước dự đoán chạm mốc 330 triệu USD vào năm 2022.
Nhiều chuyên gia nhận định, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ để nhà thông minh dần được ưa chuộng. Sự phổ biến của smartphone tại Việt Nam cũng giúp đơn giản hóa cách thức sử dụng nhà thông minh với người dùng. Công nghệ IoT và trí tuệ nhân tạo, Big Data...với nhiều ứng dụng trong smarthome đem lại nhiều tiện nghi thú vị, thỏa mãn nhu cầu gia chủ
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trong nước được đánh giá có nhiều khởi sắc, nhu cầu đầu tư nội thất, thiết bị thông minh của người dùng cũng tăng lên. Nhiều chủ dự án còn sẵn sàng đầu tư trọn gói nhà thông minh để dành tặng khách hàng. Một số dự án dùng ''Smarthome'' là từ khóa để quảng bá và thực hiện các chiến dịch marketing.
Hiện nay, thị trường smarthome tại Việt Nam được chia thành hai phân khúc chính là cao cấp và trung cấp với sự góp mặt của nhiều tên tuổi như Siemens (Đức), Schneider (Pháp), Smartg4 (Mỹ), Gamma (Đức), Fibari (Ba Lan), Bkav Smarthome (Việt Nam)... Phân khúc cao cấp thường tập trung vào các biệt thự lớn, lâu đài, các khu đô thị... với chi phí lắp đặt khá cao, khoảng 10.000 USD đến 180.000 USD tùy nhu cầu sử dụng.
Phân khúc phổ biến nhất hiện nay là chung cư, liền kề, biệt thự. Chỉ từ 30 triệu đồng cho một căn hộ chung cư hoặc từ 60 triệu đồng cho một biệt thự liền kề, người dùng đã có thể sở hữu một ngôi nhà thông minh đầy đủ tính năng cơ bản như hệ thống chiếu sáng, điều khiển thiết bị từ xa... Nhiều gói sản phẩm với mức giá phổ thông, chỉ từ 30 triệu đồng đã dần xóa đi định kiến smarthome là dành cho đại gia.
Smarthome sử dụng công nghệ không dây Zigbee/Wifi, có thể triển khai trên hạ tầng hiện có, không phải thay đổi thiết kế hiện tại như nhiều gia chủ vẫn lo ngại. Thời gian triển khai chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày. Người già, trẻ nhỏ đều có thể sử dụng thông qua bộ điều khiển trung tâm, smartphone, tablet...với giao diện 3D trực quan, và thao tác bấm đơn giản.
Không chỉ về giá, đại diện Bkav cho rằng, nhà thông minh phổ biến hơn vì đã nhiều định kiến dần được xóa bỏ. Chị Nguyễn Thị Hòa (35 tuổi, Hoàng Quốc Việt) chia sẻ về căn hộ lắp đặt hệ thống smarthome của mình: ''Nhà thông minh có nhiều tính năng hiện đại nhưng không gây tốn kém, thậm chí ngược lại vì tiết kiệm điện và hơn cả là sự thoải mái. Gia đình tôi không còn phải suy nghĩ về an toàn/ an ninh, bật/ tắt các thiết bị điện, điện tử... cả khi ở nhà lẫn đi vắng. Giờ về nhà là chỉ nghỉ ngơi và tận hưởng thôi".
''Gọi sản phẩm này là nhà thông minh nhưng không cần phải là người am hiểu công nghệ mới có thể sử dụng được. Thực ra, sản phẩm càng dễ dùng với tất cả mọi người kể cả người già hay trẻ nhỏ thì càng được gọi là thông minh. Từ khi có sản phẩm này trong nhà, gia đình tôi tự cho phép mình ... lười suy nghĩ mỗi khi về nhà'', anh Hoàng cho biết
Nguồn VNexpress